Phật giáo Thanh Hóa

Ban thông tin truyền thông

Tìm theo tin bài Tìm theo tác giả

Về pháp mạch truyền đăng tông Lâm Tế Thanh Hóa giai đoạn đầu thế kỷ XX qua nghiên cứu văn bia “Sáng kiến Quảng Hóa tự bi ký” (ThS. Vũ Ngọc Định)

Từ khi Thiền sư Chuyết Công và đệ tử của Ngài là Thiền sư Minh Hành đến truyền đạo ở chùa Trạch Lâm (1633), từ đó tông Lâm Tế truyền bá rộng rãi tại địa phương. Tiêu biểu như chùa Đại Khánh (chùa Vồm) trải bốn đời truyền đăng liên tục từ Thiền sư Chân Hỷ, Thiền sư Như Ngọ, Thiền sư Tính Không, Thiền sư Hải Oánh và ngắt quãng hai đời (dòng Kim và dòng Tường) đến Thiền sư Phổ Đương Thông Tuệ và mấy chục đệ tử dòng Tính, Hải. Sau đó không thấy sự ghi chép về tông Lâm Tế trên đất Thanh Hóa. Căn cứ vào các tư liệu lịch sử, từ nửa cuối thế kỷ XIX cho đến những năm 40 của thế kỷ XX, thiền phái Lâm Tế trên đất Thanh Hóa đã có những bước phát triển mạnh mẽ về số lượng Tăng Ni và chùa. Tuy nhiên, do biến thiên lịch sử, sự truyền thừa của tông Lâm Tế trên vùng đất Thanh Hóa không được ghi chép lại. Gần đây, dựa vào các tư liệu Hán Nôm, chúng tôi phần nào đã làm sáng tỏ sự truyền đăng, kế tục, thế thứ ở một số sơn môn thuộc tông Lâm Tế Thanh Hóa. Bài viết này tập trung nghiên cứu về sự truyền thừa tông Lâm Tế của sơn môn Quảng Hóa.

Khu tháp tổ chùa Quảng Hóa, phường Phú Sơn, thành phố Thanh Hóa.
(Ảnh: Vũ Ngọc Định)

VỀ NGÔI CHÙA QUẢNG HÓA

Chùa Quảng Hóa [1] xưa thuộc xứ Đồng Đen làng Thọ Hạc, xã Đông Thọ, huyện Đông Sơn (nay thuộc phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa). Trước đây, chùa Quảng Hóa là ngôi chùa có quy mô lớn ở Thanh Hóa, nhưng do chiến tranh tàn phá đã bị hư hại hoàn toàn. Hiện nay, nơi đây chỉ còn lại khu vườn tháp, với 8 ngôi tháp tổ [2] tôn thờ xá lợi của 8 vị Thiền sư thuộc sơn môn Lâm Tế Quảng Hóa Thanh Hóa.

Trong số các di vật còn lại của chùa, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến văn bia Sáng kiến Quảng Hóa tự bi kí đặt phía trước tam quan vườn tháp, nay đã mờ hết chữ không còn đọc được. May mắn, thác bản của tấm bia này được Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu giữ, nội dung văn bia đã in trong cuốn Tuyển tập văn bia Phật giáo Thanh Hóa, tập 1 (Thời Hậu Lê – Nguyễn)[3]. Quá trình tiếp cận văn bia Sáng kiến Quảng Hóa tự bi kí đã giải đáp nhiều vấn đề khúc mắc, đính chính những sai lầm trước kia và làm sáng tỏ 3 vấn đề lớn: Thiền sư khai sáng chùa Quảng Hóa, niên đại dựng chùa và sự truyền đăng của tông Lâm Tế sơn môn Quảng Hóa, Quảng Thọ [4].

THIỀN SƯ KHAI SÁNG CHÙA QUẢNG HÓA

Bài viết giới thiệu về chùa Quảng Hóa trong sách chùa xứ Thanh, tập 1 cho rằng khai sáng chùa Quảng Hóa là Thiền sư Thanh Khái. Nhưng nay nội dung văn bia Sáng kiến Quảng Hóa tự bi kí cho biết: “Người xây dựng ngôi chùa vốn thuộc dòng Giác chủ Tôn sư [5] là tăng Thanh Hoán, Thanh Vinh chùa Quảng Thọ thuộc thành phố”. Theo cuốn Hành trạng chư Tăng Ni Thanh Hóa [6], Thiền sư Thanh Khái không phải là người khai sáng chùa Quảng Hóa mà là hai Thiền sư Thanh Hoán và Thanh Vinh (cả hai đều là đệ tử của Thiền sư Tâm Định trụ trì chùa Quảng Thọ). Thiền sư Thanh Hoán sau khi xây dựng chùa Quảng Hóa đã chuyển đi trụ trì chùa Diệc tỉnh Nghệ An [7] và giao lại chùa cho Thiền sư Thanh Vinh trụ trì.

Văn bia Sáng kiến Quảng Hóa tự bi ký có đoạn viết: “Trụ trì bản tự phái Lâm Tế, Tỷ khiêu giới tự là Thanh Vinh kính cẩn khắc”, “Trụ trì bản tự Sa môn tự là Thanh Vinh, cung kính chép các bậc đàn việt gửi ruộng giỗ và ruộng cúng mãi lưu tại chùa”. Các thông tin này đã khẳng định Thiền sư Thanh Vinh là trụ trì khai sáng chùa Quảng Hóa.

Bài viết cho rằng Thiền sư Thanh Khái là đệ tử của Thiền sư Thanh Nhu trụ trì chùa Phúc Hưng (Cổ Loan) tỉnh Ninh Bình. Về việc này, nội dung văn bia Sáng kiến Quảng Hóa tự bi kí cũng cho biết: “May được Pháp chủ Thiền sư chùa Cổ Loan [8] đặt tên cho là “chùa Quảng Hóa”, vốn có ý chỉ trước là chùa Quảng Thọ (sau là chùa Quảng Hóa) vậy”. Nội dung văn bia đã chứng minh rõ, Thiền sư Thanh Hoán, Thanh Vinh, Thanh Khái là đệ tử của Thiền sư Thanh Định, không phải là đệ tử của Thiền sư Thanh Nhu (Thiền sư Thanh Nhu chỉ là người đặt tên cho chùa).

VỀ NIÊN ĐẠI DỰNG CHÙA

Các nghiên cứu về di tích Phật giáo tại Thanh Hóa chưa xác định được niên đại dựng chùa Quảng Hóa. Văn bia Sáng kiến Quảng Hóa tự bi kí có đoạn viết: “Vừa khéo năm nay, việc trùng tu chùa Quảng Thọ đã xong, lại đôn đốc sơn môn, trên nền chùa này, quyên tập vật liệu, hưng công xây Phật điện, Tổ đường, Tịnh xá cùng các hạng mục theo quy cách nhà chùa, chi phí hết hơn hai nghìn đồng, sau mấy tháng xây dựng, công việc hoàn thành.” Lạc khoản của văn bia cũng viết: “Mùa hạ năm Hoàng lịch Kỷ Tỵ, Phật tử thành đô Nam Phong là nhân sĩ Hoàng Hy Tiên chắp tay kính cẩn bái soạn”.

Nội dung văn bia cho biết hai vấn đề:

Thứ nhất, chùa Quảng Hóa không phải là ngôi chùa xây dựng mới hoàn toàn mà dựa trên nền móng cũ. Chùa cũ đã bị hư hoại, nay nhân dịp trùng tu xong chùa Quảng Thọ, có người đã vận động sơn môn ủng hộ để hưng công xây dựng lại chùa Quảng Hóa.

Thứ hai, văn bia Sáng kiến Quảng Hóa tự bi ký viết mùa hạ năm Kỷ Tỵ, người soạn văn bia là Phật tử người Nam Phong tên là Hoàng Hy Tiên. Theo chúng tôi, năm Kỷ Tỵ (1929) chính là năm xây dựng chùa Quảng Hóa. Hoàng Hy Tiên cũng là người soạn văn bia Sắc tứ Diệc cổ tự bi ký (1930) chùa Diệc tỉnh Nghệ An và văn bia Quảng Phúc tự bi kí (1934) chùa Quảng Phúc xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Thiền sư Thanh Hoán sau khi vào trụ trì chùa Diệc tỉnh Nghệ An đã đứng ra hưng công trùng tu chùa, trong quá trình trùng tu được sự ủng hộ về tịnh tài tịnh vật của các vị quan lớn như Nguyễn Đức Cửu, Nguyễn Đăng Giai. Căn cứ vào mốc thời gian và các sự kiện lịch sử có thể thấy: Chùa Quảng Hóa trùng tu xong trước chùa Diệc, văn bia chùa Diệc có niên đại năm Canh Ngọ (1930) thì văn bia chùa Quảng Hóa có niên đại năm Kỷ Tỵ (1929) là hoàn toàn phù hợp.

PHÁP MẠCH TRUYỀN ĐĂNG CỦA TÔNG LẦM TẾ SƠN MÔN QUẢNG HÓA 

Từ khi Thiền sư Chuyết Công và đệ tử là Thiền sư Minh Hành đến truyền đạo ở chùa Trạch Lâm [9], tiếp nối là các vị Thiền sư dòng chân, như, tính, hải, phổ thuộc tông Lâm Tế bắc Việt kế đăng trụ trì chùa Đại Khánh [10], sau đó suốt thời gian dài tông Lâm Tế không thấy nhắc đến trên vùng đất Thanh Hóa, mãi đến cuối thế kỷ XIX Thiền sư Thông Quang vâng mệnh tôn sư là Thiền sư Phổ Nghi – Tổ thứ nhất chùa Phúc Hào [11] hoằng truyền tông Lâm Tế từ Ninh Bình vào Thanh Hóa. Tuy nhiên, sự hoằng truyền đó không được ghi chép lại, một phần do chiến tranh tàn phá các chứng tích, di sản Phật giáo, mỗi sơn môn pháp phái lại tùy ý ghi chép, phần vì sự kế đăng của chốn tổ không có tính liên tục dẫn đến pháp mạch truyền đăng của sơn môn Lâm Tế tại Thanh Hóa trong nhiều năm không thể truy cứu rõ ràng.

Văn bia Sáng kiến Quảng Hóa tự bi kí đã góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều điều về pháp mạch truyền đăng tông Lâm Tế tại Thanh Hóa, đặc biệt là sự truyền đăng của sơn môn Quảng Hóa trong giai đoạn đầu thế kỷ XX.

Thứ nhất, Thiền sư Thanh Hoán và Thiền sư Thanh Vinh là đệ tử của Thiền sư Tâm Định (Thanh Định) trụ trì đời thứ 2 sơn môn Lâm Tế Quảng Thọ.

Thứ hai, Thiền sư Thanh Hoán – đệ tử trưởng của Thiền sư Tâm Định sau khi cùng sư đệ là Thiền sư Thanh Vinh xây dựng chùa Quảng Hóa đã vâng mệnh tôn sư hoằng truyền tông Lâm Tế vào Nghệ An.

Thứ ba, kết nối văn bia Sáng kiến Quảng Hóa tự bi kí với 8 bia tháp tổ chùa Quảng Hóa cùng bia tháp mộ, khoa cúng tổ các chùa thuộc sơn môn Lâm Tế Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An,… có thể khái quát pháp mạch truyền đăng tông Lâm Tế sơn môn Quảng Thọ, Quảng Hóa như sau:

Đời thứ nhất: Thiền sư Thông Quang, hiệu Từ Miên. Tổ đời thứ 2 chùa Phúc Hào, Tổ khai sáng chùa Quảng Thọ.

Đời thứ hai: Thiền sư Tâm Định (Thanh Định) hiệu Minh Lãng (?-1926) là đệ tử của Thiền sư Thông Quang. Trụ trì đời thứ 2 chùa Quảng Thọ.

Đời thứ ba: (Đệ tử của Thiền sư Tâm Định)

Thiền sư Thanh Hoán, là đệ tử trưởng của Thiền sư Tâm Định. Khai sáng chùa Diệc (Nghệ An).

Thiền sư Thanh Vinh (1896 -1946), là đệ tử thứ 2 của Thiền sư Tâm Định. Khai sáng chùa Quảng Hóa, tổ thứ 3 chùa Quảng Thọ.

Thiền sư Thanh Nhượng, là đệ tử thứ 3 của Thiền sư Tâm Định, tổ khai sáng chùa Hương Tích (Hương Dự) tỉnh Ninh Bình.

Thiền sư Thanh Đăng, là đệ tử thứ 4 của Thiền sư Tâm Định.

Thiền sư Thanh Khái (1899 – 1959) là đệ tử thứ 5 của Thiền sư Tâm Định. Trụ trì chùa Thanh Thọ, kế vị Thiền sư Thanh Vinh trụ trì chùa Quảng Hóa; khai sáng chùa Vĩnh Phúc (chùa Gia) xã Hoằng Phượng, huyện Hoằng Hóa.

Thiền sư Thanh Huy, đệ tử thứ 6 của Thiền sư Tâm Định, mộ tháp có tên là Sùng Phúc bảo tháp an trí tại chùa Quảng Hóa.

Đời thứ 4:

Đệ tử của Thiền sư Thanh Hoán (chùa Diệc, Nghệ An):

Thiền sư Thanh Ân,

Thiền sư Thanh Toại, đệ tử của Thiền sư Thanh Vinh (chùa Quảng Hóa):

Thiền sư Thanh Tích nhục thân được xây tháp tại chùa Quảng Hóa, Thiền sư Thanh Giải nhục thân được xây tháp tại chùa Quảng Hóa, Thiền sư Thanh Triều nhục thân được xây tháp tại chùa Quảng Hóa, Thiền sư Thanh Viễn nhục thân được xây tháp tại chùa Quảng Hóa. Đệ tử của Thiền sư Thanh Khái (chùa Quảng Hóa):

Thiền sư Thanh Minh kế vị trụ trì chùa Thanh Thọ, Thiền sư Thanh Cầm đệ nhị trụ trì chùa Vĩnh Phúc (chùa Gia); đệ nhị trụ trì chùa Thanh Hà. Xuất gia tại chùa Quảng Hóa, thụ giới Sa di tại chùa Diệc (Nghệ An), thụ giới Tỷ khiêu tại giới đàn chùa Cổ Loan (Ninh Bình) do tổ Thanh Nhu làm Hòa thượng; Thiền sư Thanh Lạc trụ trì chùa Hòa Long (Hòa Triều – Triệu Sơn, Thanh Hóa);

Thiền sư Thanh Đoan trụ trì chùa Đông Tác (Long Nhương – TP. Thanh Hóa).

Đời thứ 5:

Pháp tôn của Thiền sư Thanh Hoán (chưa rõ ai là đệ tử của Thiền sư Thanh Ân ai là đệ tử của Thiền sư Thanh Toại): Thiền sư Thanh Chúc,

Thiền sư Thanh Anh,

Thiền sư Thanh Văn.

Đệ tử của Thiền sư Thanh Cầm: Thượng tọa Thích Tâm Đức, đương nhiệm Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa; Đại đức Thích Tâm Minh, đương nhiệm Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa; Đại đức Thích Tâm Định, đương nhiệm Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thanh Hóa.

Qua văn bia Sáng kiến Quảng Hóa tự bi kí, đối chiếu với các tư liệu hiện có, có thể nhận định:

Thiền phái Lâm Tế tại Thanh Hóa cũng như các thiền phái Trúc Lâm, Tào Động, Lâm Tế ở các tỉnh khác cũng bị gián đoạn về quá trình truyền pháp. Văn bia Sáng kiến Quảng Hóa tự bi kí cho thấy thiền phái Lâm Tế thuộc sơn môn Quảng Thọ, Quảng Hóa không chỉ hoằng truyền trong phạm vi tỉnh Thanh Hóa mà đã mở rộng sự truyền pháp đến tỉnh Nghệ An, minh chứng đã được ghi rõ trong văn bia Sắc tứ Diệc cổ tự bi kí chùa Diệc tỉnh Nghệ An.

Mặc dù có lịch sử hình thành khá muộn (1929), nhưng chùa Quảng Hóa dưới sự trụ trì của Thiền sư Thanh Vinh, thuộc sơn môn Lâm Tế Quảng Thọ và sau này là thế hệ những đệ tử kế đăng đã cho thấy sự truyền đăng, kế truyền mà Phật giáo sử chưa ghi chép được. Những đệ tử kế truyền của sơn môn Lâm Tế Quảng Hóa đã đem tông Lâm Tế hoằng truyền ra rất nhiều chùa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Sử liệu Phật giáo trong văn bia Sáng kiến Quảng Hóa tự bia kí tuy ghi chép ngắn gọn, riêng lẻ từng sự kiện, từng cơ sở tôn giáo nhưng nó lại là sợi dây liên kết, là đấu mối nối các sự kiện tạo chuỗi tư liệu phong phú, mang tính liên hệ và giá trị sử liệu quý giá, góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề về lịch sử, đặc biệt là lịch sử truyền đăng, truyền thừa của tông Lâm Tế trên vùng đất Thanh Hóa trong giai đoạn thế kỷ XX.

 

Chú thích:

*Ths. Khoa Khoa học xã hội – Trường ĐH Hồng Đức

[1] Vũ Ngọc Định (2017), Chùa Quảng Hóa, in trong Chùa xứ Thanh, tập II. Nxb. Thanh Hóa, tr.215-222
[2] Gồm: Quảng Hóa bảo tháp, Sùng Phúc bảo tháp, Xuân Phương bảo tháp, Minh Hành (Hạnh) bảo tháp, Đồng Chân bảo tháp và 3 ngôi tháp vô danh (mới được phục dựng lại năm 2000 dựa trên nền tháp cũ).
[3] Nguyễn Kim Măng, Phùng Đức Sơn, Lê Văn Dân (Đồng chủ biên) (2017), Tuyển tập văn bia chùa Thanh Hóa (thời Hậu Lê – Nguyễn), Nxb Thanh Hóa, tr.465-478
[4] Chùa Quảng Thọ, trước ở thành phố Thanh Hóa, nay đã mất.
[5] Thiền sư  pháp húy là Tâm Định (Thanh Định) trụ trì đời thứ 2 chùa Quảng Thọ.
[6] Vũ Ngọc Định (2017), Hành Trạng chư Tăng Ni Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa.
[7] Nguyễn Văn Quý (2012) “Thiền phái Lâm Tế xứ Nghệ qua văn bia Sắc tứ Diệc cổ tự bi kí”, Thông báo Hán Nôm học, tr 607-612.
[8] Tức Thiền sư Thanh Nhu.
[9] Trước chùa ở xã Trạch Lâm, huyện Tống Sơn, do Chính phi của Thanh Đô vương Trịnh Tráng là Nguyễn Thị Ngọc Tú quyên tiền xây dựng.
[10] Nay thuộc xã Thiệu Khánh, Tp. Thanh Hóa.
[11] Còn gọi là chùa Yên Vệ,  xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình.

 

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Quý (2012), Thiền phái Lâm Tế xứ Nghệ qua văn bia Sắc tứ Diệc cổ tự bi kí, Thông báo Hán Nôm học, tr 607-612.
2. Kỷ yếu Hội thảo khoa học (2014),Chặng đường 30 năm xây dựng và phát triển, cơ hội và thách thức mới của Phật giáo Thanh Hóa, Nxb Thanh Hóa.
3. Nhiều tác giả, Chùa Xứ Thanh, tập II (Tái bản lần 1, 2017), Nxb Thanh Hóa
4. Vũ Ngọc Định, Thích Nguyên Đạt, Thích Nguyên Hối (2017), Hành trạng chư Tăng Ni Thanh Hóa, tập 1, Nxb Thanh Hóa.
5. Nguyễn Kim Măng, Phùng Đức Sơn, Lê Văn Dân (Đồng chủ biên, 2017), Tuyển tập văn bia chùa Thanh Hóa (thời Hậu Lê – Nguyễn). Nxb Thanh Hóa.
6. Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Phật giáo Thanh Hóa trong tiến trình lịch sử dân tộc” (2017), Nxb Thanh Hóa.
7. Văn bia Vĩnh Phúc tự công đức bi ký (Vũ Ngọc Định dịch).
8. Văn bia Quảng Phúc tự công đức bi ký (Vũ Ngọc Định dịch).