Phật giáo Thanh Hóa

Ban thông tin truyền thông

Tìm theo tin bài Tìm theo tác giả

Khám phá Di tích Chùa Thiên Đức - Đông Sơn

Được sự giới thiệu của các vị lãnh đạo, cũng như sự chỉ dạy của Đại đức Thích Tâm Đức - Trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt là sự hoan hỷ của Đại đức Trưởng Ban Trị sự Phật giáo huyện Đông Sơn, sự giúp đỡ tận tình của Lãnh đạo và nhân dân Phật tử xã Đông Nam, thôn Hạnh Phúc, làng Lương Sơn,... ĐĐ. Thích Nguyên Từ, ĐĐ. Thích Nguyên Giới cùng các Phật tử doanh nhân: Trần Thị Hà, Nguyễn Hữu Hà, Hàn Văn Ngọc đã tìm về vãng cảnh chùa Thiên Đức hùng vĩ, giữa "CỬU ĐỈNH NÚI NON ", bước đầu gieo duyên với cảnh Phật và nhân dân nơi đây.

Qua sự hướng của lãnh đạo và Ban Văn hóa xã, cũng như qua lời kể của các bô lão trong làng, những người thân cận gìn giữ cảnh chùa như bác Bảy Thường, Phật tử Diệu Minh... thì ngôi chùa này đã có một bề dày lịch sử. Chúng tôi sẽ nói rõ hơn khi đã khảo cứu một cách cụ thể.

Chùa Thiên Đức còn có tên gọi khác là chùa Đồng Đức, chùa nằm trong thung Chùa, thôn Hạnh Phúc, xã Đông Nam, thành phố Thanh Hóa. Vùng đất này thời nhà Nguyễn thuộc tổng Quang Chiếu, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Hóa. Tên gọi xã Đông Nam có từ năm 1953, xã Đông Nam ngày nay gồm các làng: Phú Yên, Tân Chính, Nam Thành, Nam Vinh, Phúc Đoàn, xóm Cộng, Hạnh Phúc, Càn Liêm, Chính Kết. Chùa Thiên Đức thuộc thôn Hạnh Phúc.

Chùa Thiên Đức, Phủ Mẫu, đình Thượng là 3 di tích lớn nằm trong quần thể di tích Thung Chùa - Núi Cấm.

Chùa Thiên Đức nằm trên một mảnh đất bằng phẳng chính giữa trung tâm của thung Chùa. Đúng như tên gọi khu vực này bao quanh là núi và đồi, phía sau chùa là dãy Hoàng Nghiêu làm hậu chẩm; phía trước quả đồi thấp làm tiền án, muốn đến được chùa phải đi qua hai quả đồi thấp, nhìn từ trên cao xuống chùa Thiên Đức nằm vòng bao bọc 4 bề là núi non trùng điệp. Trải qua thời gian, đặc biệt là trong giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, 3 di tích này đều bị huỷ hoại hoàn toàn. Đến nay di vật còn lại của chùa Thiên Đức tại thung Chùa chỉ còn một văn bia chữ Hán cao gần 2m, rộng 1,25m chữ đã mờ hết chỉ còn lại dòng chữ ghi tên bia; chân tảng bằng đá; dấu tích bờ tường chùa xây bằng đá cuội; hương án đá của chùa. Theo lời kể của các bậc cao niên trong làng, chùa Thiên Đức trước kia là một ngôi chùa lớn có quy mô kiến trúc đẹp, bề thế, có rất nhiều tượng gỗ, hoành phi câu đối, bia đá. Theo mô tả, chùa Thiên Đức trước kia bao gồm các công trình:

Cổng Tam quan, Tam quan chùa Thiên Đức được xây dựng theo kiểu Tam quan truyền thống của các ngôi chùa Việt. Khoảng sân gạch rộng, hai bên là hai hàng bia đá và các con giống đá đứng chầu hai bên. Nhà Tiền tế, phía trước nhà Tiền tế là hai pho tượng Hộ pháp rất lớn.

Chùa chính, được bài trí tượng pháp rất trang nghiêm với 36 gỗ pho tượng đều được sơn son thiếp vàng, trong đó có những pho Bụt ốc, Quan Âm, Như Lai có kích cỡ như người thật. Ngày nay đến thăm chùa chẳng còn ai nhận ra nơi đây trước kia là một ngôi chùa nguy nga tráng lệ mà chỉ thấy một bãi rộng bạt ngàn cây dại che lối, che lấp những tàn tích còn sót lại của ngôi chùa cổ này.

Phía đông bắc thung Chùa còn lại ngôi đền nhỏ trong động Nắp Tráp được xây dựng thờ Nguyễn Chích, nay được bà con nhân dân thôn Hạnh Phúc tôn cấp lại để thờ Phật và thờ vị anh hùng dân tộc Nguyễn Chích. Phía trước đền Nguyễn Chích là ngôi đền Trung thờ Tứ phủ, ngôi đền được người dân gọi với cái tên thân mật là phủ Mẫu Đồng Đức, nay dấu vết còn lại chỉ là những chân tảng đá và dấu tích của hai cột nghi môn.

Bên cạnh phủ Mẫu là đình Thượng thờ đức thánh Trần, thờ Nguyễn Chích, thờ những vị anh hùng, nghĩa sĩ đã cùng Nguyễn Chích phò tá Lê Lợi chống giặc Minh và thờ các vị thành hoàng làng. Đến nay, đình Thượng ngôi đình lớn của tổng Quang Chiếu xưa đến nay cũng đã trở thành phế tích.

Ngoài các công trình di tích kể trên, khu vực này còn rất nhiều thắng tích có giá trị lịch sử, như: Phía đông, trong thung khá bằng phẳng còn có 2 tường thành đất, hai thành này nằm cách nhau khoảng 150m, cao khoảng 1,2 m... tiếp thành đất là Thung Điểu đều là những di tích do Nguyễn Chích cho xây dựng làm căn cứ chống giặc Minh; phía tây nam thành đất có con sông Hoàng uốn lượn sát quanh, tạo địa thế thêm hiểm trở hơn. Tại đây còn có Hang Bến, là nơi cất giấu lương thực, súng đạn của đội dân quân vận tải thuyền nan nổi tiếng, phục vụ chiến trường Miền Nam thời kỳ chống Mỹ; ngoài ra xung quanh thung chùa còn rất nhiều hang động kì bí lớn nhỏ chưa được khám phá.

Trong những năm gần đây quần thể di tích chùa – phủ - đình với chùa Thiên Đức là trung tâm, bước đầu đã thu hút được sự chú ý yêu thích sự khám phá. Vùng đất sơn thuỷ hữu tình, voi chầu hổ phục này ngoài các giá trị về lịch sử, văn hóa – tâm linh, tín ngưỡng còn được đánh giá là rất có tiềm năng để xây dựng thành khu du lịch sinh thái và leo núi. Hy vọng trong tương lai gần được sự quan tâm của các cấp chính quyền, quần thể di tích chùa Thiên Đức sẽ được đầu tư xây dựng lại nhằm đáp ứng các nhu cầu nghiên cứu về lịch sử, địa lý, địa chất.

Sau đây xin giới thiệu một vài hình ảnh của buổi đầu tại đây:

 Thăm quan tìm hiểu di tích Chùa Thiên Đức - Đông SơnThăm quan tìm hiểu di tích Chùa Thiên Đức - Đông SơnThăm quan tìm hiểu di tích Chùa Thiên Đức - Đông SơnThăm quan tìm hiểu di tích Chùa Thiên Đức - Đông Sơn

Thăm quan tìm hiểu di tích Chùa Thiên Đức - Đông SơnThăm quan tìm hiểu di tích Chùa Thiên Đức - Đông SơnThăm quan tìm hiểu di tích Chùa Thiên Đức - Đông SơnThăm quan tìm hiểu di tích Chùa Thiên Đức - Đông SơnThăm quan tìm hiểu di tích Chùa Thiên Đức - Đông SơnThăm quan tìm hiểu di tích Chùa Thiên Đức - Đông SơnThăm quan tìm hiểu di tích Chùa Thiên Đức - Đông SơnThăm quan tìm hiểu di tích Chùa Thiên Đức - Đông SơnThăm quan tìm hiểu di tích Chùa Thiên Đức - Đông Sơn

Thăm quan tìm hiểu di tích Chùa Thiên Đức - Đông Sơn